31.12.2020
chia sẻ với
Trong thời gian vừa qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu 2019 đạt 2,85 tỷ USD, chiếm 7,8% về kim ngạch xuất khẩu cà phê của thế giới.
Ngày 29/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia càphê Việt Nam chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng đồng chủ trì hội nghị.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là một trong những nước sản xuất càphê lớn nhất thế giới và là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu càphê nhân Robusta. Trong thời gian vừa qua, càphê Việt Nam đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch xuất khẩu 2019 đạt 2,85 tỷ USD, chiếm 7,8% về kim ngạch xuất khẩu càphê của thế giới.
Về sản xuất, Việt Nam đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất càphê hàng hóa lớn, tạo việc làm và thu nhập chính cho trên 600 nghìn hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng càphê khác. Về chế biến, ngành chế biến càphê Việt Nam cũng đã hình thành và đang phát triển theo hướng tăng chế biến sâu.
Để phát triển các sản phẩm càphê hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn khuyến khích việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến càphê để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao với giá thành cạnh tranh dựa trên việc khai thác các lợi thế về nhân lực, tài nguyên và điều kiện tự nhiên của đất nước.
Các chính sách của Chính phủ cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, trang trại đã giúp giá trị xuất khẩu càphê thường chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và tỷ trọng cà phê luôn vượt trên 10% GDP nông nghiệp trong những năm gần đây.
Để hỗ trợ ngành hàng cà phê gia tăng giá trị, duy trì vị trí thứ 2 thế giới về sản xuất và xuất khẩu càphê trong bối cảnh cạnh tranh ngàng càng gay gắt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 đưa càphê vào danh mục sản phẩm thuộc chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020.
Cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đã xây dựng và thực Đề án phát triển sản phẩm quốc gia “cà phê Việt Nam chất lượng cao,” giai đoạn (2018-2020).
Mục tiêu của Đề án là phát triển ngành cà phê sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao trên cơ sở áp dụng đồng bộ giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác và công nghệ sau thu hoạch tiên tiến gắn với cơ giới hóa. Tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
https://www.vietnamplus.vn/